Hưng Yên được mệnh danh là thủ phủ nhãn lồng của cả nước, với diện tích gần 5.000ha. Thời điểm này, nhiều vườn nhãn đang bước vào mùa thu hoạch chính vụ…
Đến Hưng Yên vào mùa nhãn chín mới cảm nhận được hết được sự gắn bó giữa cây nhãn với đời sống người dân nơi đây. Dù có được mùa quả hay không, mùa nhãn chín hàng năm vẫn luôn mang đến cho vùng đất Hưng Yên nguồn lợi không nhỏ về kinh tế và những giá trị tiềm năng về phát triển du lịch thăm quan, trải nghiệm nông nghiệp.
NÂNG TẦM NÔNG SẢN QUÊ HƯƠNG
Năm nay, thay vì chỉ tổ chức lễ hội nhãn và hội nghị kết nối cung cầu tại địa phương, ngành Công Thương Hưng Yên đã thay đổi cách tiếp cận khách hàng, đem nhãn đến tận tay người tiêu dùng với những thị trường có sức mua dồi dào thông qua các tuần lễ nhãn lồng. Song song với đó là các hình thức xúc tiến thương mại và đầu tư cho chế biến sâu. Trong đó, long nhãn ôm sen là sản phẩm mới được ra mắt của một số doanh nghiệp địa phương. Giá mỗi kg sản phẩm vào khoảng 600.000 đồng, gấp đôi so với long nhãn thường.
Long nhãn (nhãn nhục) là phần thịt quả nhãn được sấy khô, có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc. Trong Y Học Phương Đông, long nhãn khô được xem như một vị thuốc quý, có tác dụng an thần, kiện tỳ, dưỡng tâm, ích khí… thường sử dụng cho những người mắc chứng mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, lão hóa sớm.
Hạt sen sấy chứa hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng như: protein, chất béo, canxi, phốt pho, sắt…, là thức ăn bổ dưỡng tâm, ích thận, kiện tỳ dành cho những người lao động trí óc quá căng thẳng. Do đó sản phẩm long nhãn ôm sen trở thành sự kết hợp vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Sự kết hợp hài hoà giữa long nhãn dẻo ngọt tự nhiên với hạt sen thơm bùi, béo ngậy tạo nên sản phẩm long nhãn ôm sen chất lượng, độc đáo. Công ty TNHH sản xuất – thương mại và xuất khẩu nông sản Việt VinAgri của anh Trần Minh Đức là khởi nguồn cho sự phát triển sản phẩm long nhãn ôm sen tại địa phương. Sản phẩm này được sản xuất theo mùa từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9 hàng năm.
Để sản phẩm đạt chất lượng cao, VinAgri chọn những quả nhãn to đều nhập nguyên liệu chủ yếu là nhãn Hương Chi, được trồng ở những vùng sản xuất theo quy trình VietGAP tại Hồng Nam, cùng với đó là hạt sen Bắc được tuyển chọn kỹ càng. Sản phẩm long nhãn ôm sen của VinAgri được kiểm soát chặt chẽ theo một vòng tròn khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào, tới sơ chế, chế biến, sản xuất, đóng gói, bảo quản và xuất khỏi kho. Toàn bộ lịch sử sản xuất và toàn bộ tài liệu sản xuất được lưu giữ để đảm bảo truy xuất nguyên liệu tốt nhất.
Doanh thu hiện tại của riêng sản phẩm long nhãn ôm sen của VinAgri đạt được khoảng 500 triệu đồng. Theo kế hoạch, năm 2023 dự kiến công ty sẽ sản xuất 10 – 15 tấn long nhãn ôm sen thành phẩm và tương đương với 70 – 80 tấn nhãn tươi và 20-30 tấn hạt sen tươi. Trước đó, năm 2022, sản phẩm long nhãn ôm sen của Công ty đã được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP 4 sao, các sản phẩm của công ty hiện đã được xuất khẩu đi Trung Quốc, Hàn Quốc.
Cũng như anh Đức, anh Nguyễn Quang Điện, Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Tiên Châu Phố Hiến nhận thấy cần có sự thay đổi trong chế biến nông sản nhãn lồng, vừa giúp bà con nông dân vào vụ nhãn bán được giá cao, vừa tạo được điểm nhấn và sức hấp dẫn cho sản phẩm. “Ban đầu, chúng tôi cũng chỉ làm chút ít để ăn như long nhãn ôm lạc, long nhãn ôm hạt điều và tôi nghĩ tại sao không làm thử long ôm hạt sen”.
“Mẻ đầu tiên làm với hạt sen tươi không thành công, chúng tôi tiếp tục thử dùng hạt sen già sấy chín giòn đặt vào long nhãn tươi, rồi lại đem sấy. Long nhãn ôm lấy hạt sen, vị ngọt tự nhiên của nhãn ngấm vào sen, sau khi sấy khô thêm một lần nữa lại càng giòn và thơm hơn,” chị Nguyễn Thị Huyền, thành viên của HTX cho biết.
HAI SẢN VẬT QUÝ CỦA PHỐ HIẾN
Những ngày tháng 8, xuôi theo triền đê tả sông Hồng về phố Hiến, khách thăm quan sẽ gặp khung cảnh những rặng nhãn lồng xanh tốt, sai trĩu quả, trải dài ngút ngàn tầm mắt, tạo nên nét riêng có của miền quê Hưng Yên. Vùng trồng nhãn Phố Hiến nổi tiếng với thương hiệu “nhãn tiến vua”, vốn được trồng trên địa bàn các xã Hồng Nam, Quảng Châu (phường Hồng Châu). Đa số giống nhãn lồng đang trồng tại những địa phương này đều có một phần bộ gen từ giống nhãn quý có từ thế kỷ thứ 16.
Trong khi đó, ngày 8/9 vừa qua, tại thành phố Hưng Yên, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sen Hưng Yên”. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ nhiệm dự án (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên) chia sẻ tỉnh hiện có gần 100ha trồng sen, phân bố rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố; trong đó có nhiều mô hình trồng sen tập trung và trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.
Để “Sen Hưng Yên” được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, các ngành chức năng đã điều tra, khảo sát hiện trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ sen; xây dựng mẫu biểu tượng nhãn hiệu; xác định các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sen Hưng Yên; thu thập, lấy mẫu phân tích hàm lượng một số chất trong các sản phẩm từ sen…
Trước đó, ngày 23/8/2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sen Hưng Yên” gồm 7 sản phẩm là trà sen, trà tâm sen, hạt sen tươi, hạt sen khô, hạt sen sấy khô ăn liền, củ sen và hoa sen. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Trần Tùng Chuẩn cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 29 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Nhãn lồng Hưng Yên;” 11 nhãn hiệu chứng nhận và 17 nhãn hiệu tập thể.
Được biết, thời gian tới, các địa phương thuộc tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị nhãn hiệu chứng nhận của các sản phẩm từ cây nhãn và cây sen, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nâng tầm sản vật quê hương, mở rộng thị trường, phát triển kinh tế.
Long nhãn ôm sen giúp bổ âm, dưỡng tâm, an thần, bổ tỳ vị, trí não, dùng trước khi đi ngủ có thể chữa mất ngủ, thích hợp cho người trung niên, người già và những người mất ngủ lâu ngày. Ngoài việc dùng để ăn trực tiếp, long nhãn ôm sen còn có thể dùng nấu chè, pha trà, hầm canh…